Trong 2 năm đầu đời, hệ vi khuẩn này phát triển và chịu ảnh hưởng chủ yếu của phương thức nuôi dưỡng. Từ 2 tuổi trở lên, hệ vi sinh đường ruột ở trẻ dần dần đa dạng như người lớn và tiếp tục phát triển trong suốt cuộc đời.
Trong điều kiện bình thường, ở dạ dày và phần trên của ruột non hầu như không có vi khuẩn, vì môi trường không thích hợp, do dịch dạ dày có tính sát trùng.
Từ phần dưới của ruột non vi khuẩn dần dần phát triển. Đến phần đầu của ruột già xuất hiện chủ yếu các loại vi khuẩn gọi là các khuẩn lên men chua. Ở phần cuối ruột già trở xuống là nhóm các vi khuẩn tiết ra men có tác dụng tới sự chuyển hóa cuối cùng của protid.
Hệ vi khuẩn trong ống tiêu hoá bao gồm cả vi khuẩn có lợi và vi khuẩn có hại. Khi cơ thể khỏe mạnh, hệ vi khuẩn này có tỉ lệ 85% các vi sinh vật có lợi và 15% các vi khuẩn có hại.
Các loại vi khuẩn trong ống tiêu hóa có tác dụng:
– Tiêu hóa và chuyển hóa các chất protid, lipit và gluxit;
– Tổng hợp các vitamin nhóm B, K;
– Các vi khuẩn đường ruột chống lại các vi khuẩn gây bệnh khác xâm nhập ống tiêu hóa, kích thích cơ thể sản xuất ra kháng thể;
– Chuyển hóa các loại thuốc độc trở thành các chất không có khả năng gây độc cho cơ thể.
Trong điều kiện bình thường, hệ vi khuẩn nói trên luôn luôn ở thế cân bằng. Khi thế cân bằng đó bị đảo lộn, tức là các vi khuẩn có hại sinh sôi nhiều hơn bình thường thì sẽ xuất hiện hiện tượng loạn khuẩn.
Loạn khuẩn đường ruột có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng thường gặp chủ yếu ở trẻ nhỏ. Những nguyên nhân gây nên loạn khuẩn phổ biến là do uống kháng sinh không đúng chỉ định và kéo dài; tiếp đó là các nguyên nhân khác như: mắc các bệnh nhiễm trùng ở ống tiêu hóa; vệ sinh cá nhân, vệ sinh ăn uống kém; chế độ dinh dưỡng cho trẻ không thích hợp: cho trẻ ăn dặm quá sớm, pha sai quy cách các loại sữa công thức, sai lầm khi làm quen với thức ăn người lớn…
Triệu chứng của loạn khuẩn đường ruột thường là: đi ngoài phân lỏng, phân sống, có thể có lẫn chất nhầy, ít máu kèm theo mót rặn, đôi lúc cảm giác đầy bụng và có thể có sốt nhẹ. Trong một số trường hợp loạn khuẩn đường ruột nghiêm trọng, trẻ có thể bị ỉa chảy kéo dài hoặc đi ỉa nhiều tới 20-30 lần trong ngày, nếu không được điều trị đúng cách sẽ dẫn đến rối loạn điện giải, mất nước trầm trọng, nguy hiểm đến sức khoẻ và tính mạng.
Ngoài ra, loạn khuẩn đường ruột ở trẻ nhỏ kéo dài có thể làm trẻ chậm phát triển thể chất, suy dinh dưỡng, còi xương, gầy yếu, giảm miễn dịch,…
Để tránh bị loạn khuẩn đường ruột, cần đảm bảo có một chế độ ăn hợp lý, khoa học và hợp vệ sinh cho trẻ. Khi trẻ cần dùng thuốc phải vô cùng cẩn trọng, chuẩn xác theo đúng chỉ định của bác sĩ, không tự ý cho trẻ sử dụng thuốc kháng sinh vì thuốc kháng sinh không chỉ tiêu diệt vi khuẩn có hại mà tiêu diệt cả vi khuẩn có lợi trong ống tiêu hóa, là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng loạn khuẩn đường ruột ở trẻ.